Tin nhanh - Hơn 11h, Hoàng Thị Thu Hằng (12 tuổi) được nhân viên của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn đón về từ trường học. Ngồi xuống xe lăn, em đẩy nhanh đến phía cuối phòng rồi gấp phẳng phiu chiếc áo đồng phục cất trong tủ. Ngay sau đó, cô bé xương thủy tinh đẩy xe vào phòng các em nhỏ.
Hằng mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn giúp chăm sóc các bé tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vân
Cùng sống trên tầng 2 của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh với Hằng có 15 trẻ từ 3 ngày tuổi đến dưới một năm tuổi, tất cả bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Sau khi đi học về, Hằng lại vào phòng giúp các cô, bác trông em. Do chân yếu, khi muốn bế em, Hằng kẹp em bé vào giữa hai chân rồi đặt ngồi trên đùi.
Chăm sóc và chơi đùa với các em bé là niềm vui lớn nhất trong ngày của Hằng. Với những em bé ở trung tâm, Hằng cũng là người bạn gắn bó nhất. Vừa nựng em ăn, cô bé vừa chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, chuyện bạn bè, lớp học...
Khá bạo dạn, Hằng kể sinh ra tại xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia, Lạng Sơn), do mắc bệnh xương thủy tinh nên từ nhỏ em được gia đình “nâng như nâng trứng”. Bất hạnh ập đến với em khi cha qua đời, mẹ bỏ đi nơi khác, để lại em một mình. Năm lên 6 tuổi, Hằng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây, em bắt đầu làm quen với cách tự chăm sóc bản thân.Sephora coupons
Đôi chân yếu ớt không thể đứng vững, chiếc xe lăn trở thành người bạn gắn bó với em. Đôi bàn tay gầy guộc nhỏ bé đã bao lần mỏi nhừ, toát mồ hồi không thể kéo nổi bánh xe lăn. Thế nhưng Hằng chưa bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn, em tập làm mọi thứ sao cho thật nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh.
Mỗi lần muốn đi vệ sinh, hoặc tắm, chiếc ghế trở thành “đôi chân” giúp em di chuyển. Hằng tự tay giặt quần áo mà không cần nhờ người khác giúp đỡ. “Em tự làm mọi việc để chăm sóc bản thân, một lần không được thì làm lại sau nhiều lần cũng quen dần. Em còn giúp các cô trông em bé lúc rảnh rỗi”, Hằng vui vẻ nói.
Ở trên tầng 2 của Trung tâm nên Hằng chỉ điều khiển xe lăn loanh quanh các phòng hoặc ra hành lang. Nhiều lúc ngó xuống sân tầng dưới thấy các bạn, các em chơi đùa chạy nhảy, Hằng cũng muốn tham gia. Nhưng em sợ bị người khác va trúng gãy tay, gãy chân như một số lần trước. Hằng đã 5 lần bị gãy tay và chân, mỗi lần đều phải nghỉ học ít nhất 2 tháng.
Ngoài niềm vui khi được chăm em thì Hằng tập trung nhiều thời gian cho học tập. Từ lớp 1 đến lớp 5, em đều giành danh hiệu học sinh giỏi. Buổi trưa và tối em dành khoảng 2-3 tiếng ôn bài, làm bài tập và đọc trước trong sách giáo khoa.
Cô Thịnh, giáo viên chủ nhiệm của Hằng (Trường THCS Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) cho biết: “Hằng nhập học vào lớp 6A2 muộn 2 tuần so với các bạn, nhưng em đã chăm chỉ để theo kịp kiến thức bạn bè và đặc biệt là em nhận thức, tiếp thu bài nhanh. Em được thầy cô và bạn bè quý mến, mỗi khi đến giờ tin học, các bạn lại cùng nhau giúp đưa Hằng lên tầng 2 nhẹ nhàng vì biết xương em dễ gãy”.
Mỗi ngày, nhìn các em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ trong trung tâm không được đến lớp, vui chơi loanh quanh trong sân, Hằng rất muốn lại gần chơi đùa, trò chuyện nhưng vì căn bệnh xương thủy tinh nên không thể làm được. Do vậy, ước mơ của Hằng là sau này trở thành cô giáo dạy trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.
“Cháu Hằng chăm ngoan và được mọi người quý mến. Cháu còn nhỏ nhưng đã hiểu rõ hoàn cảnh của mình, vươn lên học giỏi và giúp chúng tôi chăm sóc các em nhỏ bất hạnh khác", ông Nông Văn Quận, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn cho hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét